Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Vu Lan Rằm tháng Bảy: Tết cho người cõi âm



             Một năm dương gian có hai cái tết: Mùng một đầu năm là tết của người sống, Rằm tháng Bảy là tết cho người chết, âm - dương vì thế mà được cân bằng.

           Chú  tôi mất vào mùng một tháng Bảy Âm lịch. Hôm đưa đám, một cụ trong làng bảo "Chú anh nhân hậu, mất vào tháng này, thế là không bị ngục tù ngày nào”. Tháng bảy sáp ngày rằm là ngày mở ngục ở âm phủ, đại xá cho các vong linh.

           Tháng Bảy, có người chỉ biết đến cúng cháo thí cho các cô hồn lang thang không nơi nuơng tựa, cho thập loại chúng sinh, đốt đồ mã cho người thân đã khuất. Tết này dành cho cõi âm.

           Ngẫm lại một năm dương gian có hai cái tết: Mùng một đầu năm là tết của người sống, Rằm tháng Bảy là tết cho người chết, âm - dương vì thế mà được cân bằng.

           Tết rằm tháng Bảy là vào giữa năm, ngày cuối hạ sang thu, người ta còn gọi là tết Vu Lan đền ơn báo hiếu. Tết này là theo tích Phật như sau: Mục Kiền Liên Bồ tát là đệ tử của Đức Như Lai. Ngài dùng tuệ nhãn nhìn thấu vạn dặm, phát hiện ra mẹ ruột là Thanh Đề vì mắc tội buôn thần bán phật bị đày vào ngục A-tỳ trầm luân, bị quỷ sứ hành hạ ngày đêm. Thương mẹ, Ngài vội đem cơm vào ngục. Nhưng bà mẹ vì nghiệp lực quá nặng cho nên cơm đem đến bỗng chốc hoá thành than lửa đỏ hồng không thể ăn được. Mục Kiền Liên buồn bã, trở về xin với Đức Thế Tôn cứu vớt mẹ mình khỏi vòng nghiệp chướng dù có mất hết chân tu cũng cam lòng. Phật Tổ cảm động vì tấm lòng, Ngài cho Mục Kiền Liên được một lần báo hiếu, nhưng nhắc Mục Kiền Liên khi xuống cứu mẹ thì cũng giải thoát luôn các vong linh khác đang bị giam giữ hành tội nơi địa ngục, nhân ngày cuối cùng kết thúc, kỳ an cư mùa hạ nhằm ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Do ý nghĩa trên, hàng năm đúng vào ngày này, các tín đồ Phật giáo đã lập hội Vu Lan Bồn. Như vậy tết này là dành cho người đã khuất và tất cả các cô hồn thập loại chúng sinh.

           Cứ đến ngày Rằm tháng 7, lễ Vu Lan được tổ chức để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. 


           Gạt bỏ tất cả những gì gọi là mê tín sang bên cạnh, thì giá trị nhân văn của tết rằm tháng Bảy thật là lớn lao, thật là đặc biệt dành cho tất cả những sinh linh đã từng đi qua dương thế. Nên tết rằm tháng Bảy có văn tế thập loại chúng sinh nghe xót xa sâu thắm đến cõi lòng mỗi chúng ta. Còn có tên gọi là tết Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện Mục Kiền Liên bồ tát cứu mẹ mà ra vậy.

           Đúng như thế, tết Rằm tháng Bảy không có chuyện ăn, chuyện chơi như tết nguyên Đán. Tết này người ta chỉ quan tâm đến người âm. Trong mâm cúng cháo thí có bỏng ngô, chuối, khoai lang, củ dong, hoa quả… Tất cả những gì hàng ngày con người vẫn ăn đều có thể đặt lên thành lễ vật. Cuối cùng không thể quên hai thứ quan trọng nhất đó là bát gạo và bát muối. Hai thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Nó là sự nhắc nhở đến những thứ tối thiểu cần cho con người để tồn tại. Ngoài ra, còn có đồ mã là tiền vàng, quần áo, tư trang được sắm sanh đốt theo sau lễ cúng. Đáng để ý là trong lễ còn có y phục cho chúng sinh, tiền xu để chia cho dễ.

           Triết luận về đời sống con người có bốn chữ là sống tết - chết giỗ thể hiện vào hai cái tết này trong một năm. Tết là cho người đương thời, còn giỗ là dành cho quá khứ để người ta nhìn lại như một bài học giáo huấn về nhân phẩm và nhân văn trong cuộc sống, để điều chỉnh cuộc sống cho mình.

3 nhận xét:

  1. "bỏng ngô" là cái món gì zậy thiiasao?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Bỏng ngô" là "cốm bắp" . Bắp , nếp, gạo... rang nổ phồng to lên gọi là "bỏng" ngô - nếp - gạo...

      Xóa
    2. Như vậy, sao ta không kêu là "cốm bắp" hay "bỏng bắp"?

      À! hiểu ra rồi! Ta nói "giọng" hay "từ" trung ương cho nó "oai", cho nó "oách", phải không?

      p/s: Cảm phiền tác giả coi lại: "Mục Kiền Liên buồn bã, trở về xin với Đức Thế Tôn cứu vớt mẹ mình khỏi vòng nghiệp chướng dù có mất hết chân tu cũng cam lòng. Phật Tổ cảm động vì tấm lòng, Ngài cho Mục Kiền Liên được một lần báo hiếu, nhưng nhắc Mục Kiền Liên khi xuống cứu mẹ thì cũng giải thoát luôn các vong linh khác đang bị giam giữ hành tội nơi địa ngục, nhân ngày cuối cùng kết thúc, kỳ an cư mùa hạ nhằm ngày rằm tháng Bảy âm lịch"

      Nếu tui không lầm hoặc lẫn thì điều trên chưa đúng với giáo lý chánh thống của đạo Phật! Mục Kiền Liên là đệ tử có thần thông bậc nhứt (Thần Thông Đệ Nhất) của Đức Phật, có cứu mẹ, nhưng không phải cứu như vậy. Với lại việc cúng bỏng ngô, củ dong, và đồ mã tiền vàng, quần áo, tư trang,... là chưa đúng với thuyết Nhơn Quả và giáo lý chánh thống của Đức Thế Tôn! Có thể tham khảo chút ít ở đây.

      Xóa