Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

THANH MINH - CÚNG CHÒM

    

          Thanh Minh là một tiết trong 24 tiết theo lịch nông nghiệp của Trung Hoa cũng như của ta. Thanh Minh là một tiết mùa xuân sau tiết Xuân Phân, lúc bấy giờ khí trời trong trẻo, mát mẻ. Cảnh vật thiên nhiên trong tháng này rất đẹp ( thường là tháng Ba), cây cối xanh tươi, khí trời ấm áp, bầu trời trong xanh thật là lý tưởng để đi dạo chơi. Đối với người Hoa đây là thời gian tốt nhất để làm bổn phận của con cháu đối với ông bà tổ tiên nên họ liệt nó vào một ngày Tết. Từ đó gọi là Tết Thanh Minh. Trong ngày Tết Thanh Minh, người Hoa có tục đi tảo mộ, gọi là Lễ Tảo mộ, chính lúc này họ sửa sang mồ mả tổ tiên mình cho sạch đẹp. Trong Tết Thanh Minh, người Trung Hoa còn tổ chức một ngày hội để nam thanh nữ tú dạo chơi, gặp nhau chuyện trò gọi là Hội Đạp Thanh. Đạp Thanh tức là đi trên cỏ xanh. Trong truyện Kiều Nguyễn Du đã tả lại cảnh tài tử giai nhân Trung Hoa đời Minh đi Hội Đạp Thanh:
" Thanh Minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp Thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm"
          Xem thế thì đối với người Trung Hoa, Hội Đạp Thanh trong Tết Thanh minh cũng quan trong không kém gì Tết Nguyên Đán.


Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

ĐÊM THẤY TA LÀ THÁC ĐỔ

        PHÚ PHONG , TÂY SƠN, BÌNH ĐỊNH
ĐÊM THẤY TA LÀ THÁC ĐỔ
  Đêm 31 tháng 3 năm 2013, tại quán cà phê JIN JIN của Trần Viết Dũng và Kim Chi - Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định đã tổ chức đêm nhạc : ĐÊM THẤY TA LÀ THÁC ĐỔ để tưởng niệm 12 năm ngày mất của NGƯỜI NHẠC SỸ TÀI HOA _ TRỊNH CÔNG SƠN. Ý tưởng này được khởi lên từ người yêu nhạc TRỊNH - có thể xem là nhất Phú Phong -Trần Trọng Khải và được một số thân hữu ủng hộ.
          Để viết và nói về Trịnh Công Sơn thì tôi không dám viết vì chưa đủ tầm và có lẽ là cũng thừa vì biết bao nhiêu ngôn từ tuyệt vời mà nhiều người dành cho ông. Tôi chỉ muốn nói là ở Phú Phong cũng có đông người yêu nhạc ông  lắm.
          Khán giả đông, đa dạng, nhiều tầng lớp - Từ các văn nghệ sỹ Tây Sơn, An nhơn, Tuy Phước, Quy nhơn... đến giáo viên, anh ba gác, cựu binh của cả hai chế độ ...cả mấy tay bợm nhậu ... ngồi bên nhau, trầm mặc khi tiếng kèn của anh Việt Râu cất lên bài Hạ Trắng để bắt đầu đêm kỷ niệm. Trần Viết Dũng dẫn chương trình mở đầu ngắn gọn, dung dị nói về người nhạc sỹ tài hoa của Viêt Nam và một phần thế giới. Thế thôi, nói ít để tiếng hát lời nhạc của ông vang lên thay lời nói.
          Ca sỹ thì nhiều vô kể, Người dẫn chương trình phải xin lỗi những người nhiệt tình đăng ký nhưng chưa được hát. Âm thanh chưa tốt lắm, sân khấu không tráng lệ, giọng hát chưa hay... nhưng tình cảm của mọi người dành cho TRỊNH thì không làm sao nói hết được.
          Thời gian không cho phép - dù ban tổ chức đã kéo dài thêm 1giờ so với dự kiến - Đêm nhạc kỷ niệm 12 năm ngày mất của Cố Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn kết thúc trong luyến tiếc của nhiều người.
         Hẹn lần sau.

         Dưới đây là một số hình ảnh      


Quán cà phê Jin Jin