Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

THANH MINH - CÚNG CHÒM

    

          Thanh Minh là một tiết trong 24 tiết theo lịch nông nghiệp của Trung Hoa cũng như của ta. Thanh Minh là một tiết mùa xuân sau tiết Xuân Phân, lúc bấy giờ khí trời trong trẻo, mát mẻ. Cảnh vật thiên nhiên trong tháng này rất đẹp ( thường là tháng Ba), cây cối xanh tươi, khí trời ấm áp, bầu trời trong xanh thật là lý tưởng để đi dạo chơi. Đối với người Hoa đây là thời gian tốt nhất để làm bổn phận của con cháu đối với ông bà tổ tiên nên họ liệt nó vào một ngày Tết. Từ đó gọi là Tết Thanh Minh. Trong ngày Tết Thanh Minh, người Hoa có tục đi tảo mộ, gọi là Lễ Tảo mộ, chính lúc này họ sửa sang mồ mả tổ tiên mình cho sạch đẹp. Trong Tết Thanh Minh, người Trung Hoa còn tổ chức một ngày hội để nam thanh nữ tú dạo chơi, gặp nhau chuyện trò gọi là Hội Đạp Thanh. Đạp Thanh tức là đi trên cỏ xanh. Trong truyện Kiều Nguyễn Du đã tả lại cảnh tài tử giai nhân Trung Hoa đời Minh đi Hội Đạp Thanh:
" Thanh Minh trong tiết tháng Ba,
Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp Thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm"
          Xem thế thì đối với người Trung Hoa, Hội Đạp Thanh trong Tết Thanh minh cũng quan trong không kém gì Tết Nguyên Đán.



          Với người Việt Nam cũng như Tết Hàn Thực, thì Tết Thanh Minh không phải là một ngày quan trọng trong năm. Với phong tục người Việt thì chúng ta thường tổ chức tảo mộ ông bà tổ tiên vào dịp Tết Nguyên Đán ( trước hoặc sau Tết, tuỳ theo địa phương và tộc họ). Nhiều nơi còn giữ phong tục là vào dịp Tết Thanh Minh, xóm làng thường tổ chức tảo mộ những nấm mồ vô chủ mà trong Tết Nguyên Đán không có ai tu tảo, bị bỏ hoang lạnh lẽo. Sau đó về Miễu Thanh Minh tổ chức chẩn tế cô hồn.
          Phong tục trên đây ta thâý được đạo nghĩa của người Việt Nam chúng ta cao quý chừng nào. Ngày Tết lo tu tảo phần mộ tổ tiên ông bà của mình, nhưng cũng không quên những nấm mồ vô chủ cô đơn lạnh lẽo không người hương khói.

        Ngày nay,  Phú Phong quê tôi không còn những nấm mồ vô chủ nữa vì lý do lấy đất phục vụ công ích nên đã di dời các nghĩa địa như Gò Lăng, Gò Ké, Gò Dừa... nhưng việc chẩn tế cô hồn vẫn duy trì đều đặn ở Miễu Thanh Minh hay còn gọi là Miễu Cây Đề. Nhưng chưa hết đâu, cứ một đoạn đường - thường là từ ngã tư này đến một ngã tư khác- (khoảng 10 đến 20 nhà) tổ chức cúng Thanh Minh mà tên gọi là CÚNG CHÒM. Theo mấy người tổ chức đi vận động góp tiền thì lấy lý do đơn giản như thế này : Mình sống ở đâu cũng có Thành Hòang, Thổ Địa, có Cô Hồn Các Đẳn... ở đó nên một năm cúng một lần, có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà. Thứ hai nữa là chòm xóm một năm gặp nhau một lần vầy cho vui vẻ, thêm tình đoàn kết xóm giềng chớ làm ăn đầu tắt mặt tối một năm gặp nhau được mấy lần. Về thời gian thì nếu tố chức Hăm ba tháng Chạp hoặc Tết Nguyên Tiêu thì gần Tết Nguyên Đán, nếu tổ chức Rằm tháng 7 thì trời mưa . Vậy Thanh Minh là tiện nhất. Nói nghe hợp lý quá đi chớ, thế là hưởng ứng. 
          Đâu không biết chớ Chòm tôi thì việc đóng góp thì tuỳ hỷ, người 500.000, người 50.000 cũng không ai nói gì. Không biết ai khởi xướng việc cúng CHÒM này mà Tết Thanh Minh này Phú Phong có gần trăm đám cúng. Từ 16 tháng 2 đến nay ngày nào cũng có chòm cúng có ngày gần 10 đám cúng và đến 10 tháng 3 mới hết.
          Hình thức thì đủ kiểu, có nơi cúng chay, có nơi cúng mặn... địa điểm thì gần sông thì cúng bờ sông, gần công viên thì ra công viên, còn không thì cất rạp ngay trên ngã tư, ngã ba cúng... nhậu ngay ngoài đường. Có chỗ còn thuê dàn nhac sống, hay Ka ra ô kê ngoài đường luôn hoan hỉ từ 5 giờ chiều tới 10 giờ tối.
          Nhân đây nói thiệt dân Phú Phong tui sướng nhứt là chuyện này: Nhà có việc như tang ma, cưới xin, giỗ chạp hay cúng CHÒM ... là chơi ngay cái rạp ngoài đường, vậy mà bà con vẫn hoan hỉ đi tránh đường khác không ai càm ràm tiếng nào hết, còn chính quyền cũng làm thinh, nếu ai nói gì thì cũng ỡm ờ Úi! nhà có công chuyện mà .. Hay thiệt!

          Hôm nay chòm tôi cúng CHÒM tôi làm chánh bái, 4giờ tôi lo tẩy uế quần áo chỉnh tề, cắp tờ sớ cúng mà tôi thức hai đêm để soạn. 5 giờ 30 bắt đầu cúng. Bà con tập trung đông đủ, nhà nào cũng có người cả, vẻ mặt cung kính. Ai cũng trịnh trọng dâng hương, lạy ba lạy cung kính... từ ông Bí thư Thị trấn nghỉ hưu đến chị bán rau ngoài chợ, từ thầy giáo đến công chức cũng nhanh chân chạy về ngay sau khi tan sở, các tiệm uốn tóc, sửa xe hôm nay nghỉ sớm hơn thường ngày...
 Đơn giản vì hôm nay CÚNG CHÒM
Địa điểm  Chòm tôi
Bếp núc đâu vào đó rồi
 
Biện lễ

Chòm dưới cũng cúng

Dâng hương


Thành kính







Gọi là mảnh áo thỏi vàng, Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên

Mời tất cả:  Vong linh y thảo phụ mộc



Chuẩn bị chiến đấu
Mấy mâm này quan trọng nhất đây, được ăn trước các ông bà mà


Nhỏ cũng ăn cúng CHÒM
Vào cuộc
Ka ra ô kê mà ảnh lớn đàng hoàng chưa?

Mấy ông xĩn hát hò rồi chị em mới ngồi. Tội chưa?

Xĩn rồi - nhảy rồi

Cuối cùng rồi cũng chị em dọn rửa. Thương quá chừng

6 nhận xét:

  1. cái ĐĐT trên bảng tên đường là gì zẫy, Thi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường đô thị đó mà. Như đường tỉnh là Tỉnh lộ, đường nước là Quốc lộ, đường làng là Làng lộ... hè

      Xóa
    2. Khỉ Thúi Thậtlúc 21:09 3 tháng 4, 2013

      Đường đào trọm (ĐĐT)

      Xóa
    3. "Làng lộ" ! Cái từ Nôm Hán Việt nghe sao nó ghê ghê !

      Ở quê mình thiệt nhiều đường : Từ trung tâm huyện đi vòng ra mấy xã gọi là đường ly tâm , qua lò mổ ở Kiên Mỹ gọi là đường huyết mạch ,ra Bình Tân gọi là đường cát trắng ,vô Đồng Vụ gọi là đường phèn , lên Núi Một gọi là đường độc đạo , vô chùa Phước Sơn gọi là Đường Huyền Trang....

      Có loại ĐƯỜNG mà ai cũng ngán tới cổ , tui hổng dám nói hê hê.

      Xóa
  2. cho em xin cái bài cúng chòm này đi . mai xóm cúng rồi mà kiếm hoài k ra

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật xin lỗ bạn Hồng Trần! Mấy hôm nay mình đi vắng, khi đọc được đề nghị của bạn thì đã muộn rồi. Mong bạn thông cảm, vì bài cúng này mình đã gửi cho nhiều bạn tham khảo rồi chứ không có gì bí mật cả. Thôi đành hẹn năm sau vậy.
      Thân ái

      Xóa